News

Dấu ấn từ hoạt động truyền thông và giáo dục môi trường tại BQL VQG gia Núi Chúa

Với những giá trị đa dạng sinh học phong phú, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và hệ sinh thái đặc trưng, Vườn quốc gia (VQG) Núi Chúa không chỉ là nơi bảo tồn thiên nhiên quan trọng mà còn là một trung tâm truyền thông và giáo dục môi trường nổi bật.

Ảnh từ Công viên đá nhìn xuống Bãi Thịt Vườn quốc gia Núi Chúa

Nâng cao nhận thức HSSV “từ lý thuyết đến thực tế”

Những ngày này, đến VQG Núi Chúa để được hòa mình vào không gian xanh với núi, rừng, biển tuyệt đẹp, không khí trong lành, môi trường thoáng mát. Đã từ lâu, nơi đây đã trở thành địa chỉ về giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho người dân, du khách.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Giáo dục Môi trường và Dịch vụ Môi trường (VQG Núi Chúa) cho biết: Hàng năm, VQG Núi Chúa đón hàng nghìn lượt học sinh, sinh viên (HSSV) và du khách tham gia vào các hoạt động tham quan, giáo dục và nâng cao nhận thức về bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học.

Học sinh đi tham quan và học tập thực tế về đa dạng sinh học và công tác bảo tồn tài nguyên tại Công viên đá

HSSV tham gia hoạt động làm “banh hạt giống”, góp phần tái tạo tài nguyên VQG Núi Chúa

Trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với những thách thức lớn về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và đang có xu hướng giảm dần đa dạng sinh học, công tác truyền thông và giáo dục môi trường tại VQG Núi Chúa trở thành một điểm sáng về sự kết hợp giữa bảo tồn và phát triển bền vững.

Chỉ tính riêng năm 2024, VQG Núi Chúa chào đón hơn 3.000 lượt HSSV từ khắp các tỉnh thành trong cả nước đến tham quan và học tập, tìm hiểu về các giá trị đa dạng sinh học, cũng như tham gia hoạt động bảo vệ môi trường.

Các chương trình giáo dục môi trường tại đây không chỉ mang lại kiến thức lý thuyết mà còn kết hợp thực tế qua những chuyến tham quan trực tiếp khám phá hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng, các bãi biển hoang sơ, tìm hiểu hoạt động bảo tồn và cứu hộ động vật hoang dã,..

Cộng đồng tham gia hoạt động du lịch sinh thái

Từ hoạt động khám phá thực tế, các bạn HSSV được tìm hiểu về các loài động vật đặc hữu, tập tính sinh học của chúng và mối liên kết chặt chẽ giữa các yếu tố trong hệ sinh thái.

Thông qua chương trình, các em không chỉ được trang bị kiến thức về môi trường, hình thành ý thức bảo vệ thiên nhiên từ khi còn nhỏ, mà còn được truyền cảm hứng để các em yêu thiên nhiên, trân trọng và bảo vệ môi trường sống xung quanh. Đây chính là những hạt giống cho tương lai, giúp lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường trong cộng đồng.

Truyền thông và giáo dục cho cộng đồng địa phương

Theo ông Nguyễn Thành Trung, ngoài việc giáo dục HSSV, Ban quản lý (BQL) VQG Núi Chúa còn đặc biệt quan tâm đến cộng đồng sống xung quanh vùng đệm – những người có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên. Những năm qua, BQL VQG Núi Chúa đã tổ chức nhiều chương trình truyền thông và giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên đối với sinh kế của họ.

Theo ông Nguyễn Thành Trung, ngoài việc giáo dục HSSV, Ban quản lý (BQL) VQG Núi Chúa còn đặc biệt quan tâm đến cộng đồng sống xung quanh vùng đệm – những người có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên. Những năm qua, BQL VQG Núi Chúa đã tổ chức nhiều chương trình truyền thông và giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên đối với sinh kế của họ.

Phụ nữ các thôn vùng đệm tham gia Hội phụ nữ xách giỏ đi chợ

Thông qua các buổi truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng địa phương, đội ngũ cán bộ VQG cùng các tổ chức đã giúp người dân hiểu rõ hơn về mối quan hệ mật thiết giữa bảo tồn tài nguyên và sinh kế.

Các chương trình này cũng đã chia sẻ kiến thức và gợi mở những mô hình kinh tế hay, bền vững cho người dân như: Khai thác hoạt động du lịch có sự tham gia của cộng đồng, mô hình tận dụng lâm sản ngoài gỗ để sản xuất, chế tác ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ hạt cây rừng, hay phát triển các mô hình sinh kế dưới tán rừng,…

Những hoạt động này ngoài việc giúp người dân hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, thì còn kết hợp với việc gắn kết bảo tồn và phát triển sinh kế, từ đó giúp họ có những lựa chọn phát triển bền vững.

Cộng đồng địa phương tích cực tham gia các hoạt động vì môi trường

Một trong những mô hình thành công tại VQG Núi Chúa là việc thành lập các tổ nhóm phụ nữ xách giỏ đi chợ, hạn chế sử dụng túi nilon. Đây là một sáng kiến nhỏ nhưng vô cùng ý nghĩa, thể hiện sự nỗ lực trong việc thay đổi thói quen tiêu dùng của cộng đồng, hướng đến việc giảm thiểu rác thải nhựa và bảo vệ môi trường.

Các nhóm phụ nữ không chỉ là những người thực hiện hành động thay đổi này mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc lan tỏa thông điệp về việc sử dụng vật liệu tái chế, thân thiện với môi trường đến các hộ gia đình trong cộng đồng.

Những kết quả tích cực

Những nỗ lực trong công tác truyền thông và giáo dục môi trường tại VQG Núi Chúa đã mang lại nhiều kết quả tích cực, không chỉ lan tỏa ý thức bảo vệ thiên nhiên đến các thế hệ trẻ, những hoạt động này còn tạo sự đồng thuận trong cộng đồng địa phương, góp phần xây dựng mối quan hệ bền chặt giữa con người và hệ sinh thái.

Đồng bào Raglai bản địa chế tác các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ hạt cây rừng

Trong thời gian tới, BQL VQG Núi Chúa sẽ tiếp tục đổi mới các chương trình truyền thông, mở rộng phạm vi tiếp cận đến nhiều nhóm đối tượng hơn. Bằng cách kết hợp giữa các hoạt động thực tế và ứng dụng công nghệ, Vườn hướng tới mục tiêu trở thành mô hình tiêu biểu về bảo tồn thiên nhiên gắn với phát triển bền vững.

“Thiên nhiên là nguồn sống, là tài sản vô giá mà chúng ta cần giữ gìn. Hãy cùng nhau lan tỏa những giá trị đẹp, để Núi Chúa không chỉ là điểm đến hấp dẫn mà còn là biểu tượng của sự chung tay bảo vệ môi trường”, ông Nguyễn Thành Trung khẳng định.

Du khách tham quan các điểm du lịch kết hợp thu gom rác thải, vệ sinh môi trường

Ngày 15.9.2021, VQG Núi Chúa đã chính thức được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển của thế giới.

Hang Rái – điểm tham quan của Vườn Quốc gia Núi Chúa

Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa hiện có 1.514 loài thực vật, trong đó có 54 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ thế giới (IUCN). Hệ động vật cũng đa dạng với 766 loài, trong đó có 48 loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ thế giới. Đặc biệt, nơi đây còn có nhiều loài động vật quý hiếm có tầm quan trọng quốc tế nên đang được bảo tồn nghiêm ngặt như: voọc chà vá chân đen, chéo lưng bạc.

Khu vực xung quanh vùng đệm của Khu dự trữ còn là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc bản địa như Raglai, Chăm và người Hoa. Họ cư trú lâu đời, có bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng và làm ăn sinh sống bằng nhiều nghề như làm muối, trồng hành tỏi, chăn nuôi, làm nhạc cụ dân tộc… nên tạo thành một cộng đồng cư dân có nét độc đáo riêng trong khu vực.